Những thắc mắc đằng sau Giải Nobel Y học 2010

Nhà y sinh học người Anh Robert Edward đã giành giải Nobel Y học năm 2010 vì có công lớn trong việc tìm ra kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), mang lại niềm vui làm cha-mẹ cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn con.

Hội đồng Giám khảo Giải Nobel nhấn mạnh thành tựu mà ông Edward đạt được đã đặt nền tảng cho sự phát triển y học hiện đại trong điều trị vô sinh, ước tính ảnh hưởng đến hơn 10% số cặp vợ chồng trên thế giới. Giáo sư Edward (ảnh) năm nay 85 tuổi. Ông tốt nghiệp trường đại học danh tiếng Cambridge và bắt đầu nghiên cứu kỹ thuật IVF từ thập niên 1950 cùng đồng nghiệp Patrick Steptoe, nhưng ông Steptoe đã qua đời năm 1988. Ông Edward sẽ nhận giải thưởng này cùng số tiền thưởng trị giá 10 triệu Krona Thụy Điển (tương đương 1,4 triệu USD) trong buổi lễ trao giải được tổ chức tại Stockholm (Thụy Điển).

dbgbPicture4

Sẽ có nhiều người trong chúng ta tự hỏi, tại sao phải mất 32 năm kể từ ngày kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ra đời với hơn 4 triệu đứa trẻ đã được tạo ra nhờ kỹ thuật đột phá này, cha đẻ của nó - Robert Edwards- mới được nhận giải Nobel Y học cho công trình vĩ đại của mình. Ngày nay, sự ra đời của những đứa trẻ được thụ tinh trong ống nghiệm đã trở nên vô cùng bình thường và quen thuộc ở khắp nơi trên thế giới, thì Robert G. Edwards, vị giáo sư danh dự của trường Đại học Cambridge, nay đã 85 tuổi, mới được Ủy ban Nobel công nhận thành tựu vĩ đại của mình. Cộng sự của ông, Patrick Steptoe, đã qua đời vào năm 1998 mà không được chứng kiến giờ phút cả thế giới vinh danh công trình mà ông theo đuổi cả cuộc đời. Năm 1974, một số nguyên tắc của giải Nobel được sửa đổi và không trao giải cho những người đã mất, do đó Edwards là chủ nhân duy nhất của giải này. Robert G. Edwards sinh ngày 27/9/1925 ở Leeds. Sau khi tốt nghiệp trường Manchester Central High School, ông đã phục vụ trong quân đội Anh, sau đó theo học tại khoa nông nghiệp Trường ĐH Wales, Bangor. Tiếp đó, ông theo học tại Viện di truyền học động vật, trường Đại học Edinburgh. Năm 1955, ông nhận bằng tiến sĩ. Năm 1963, ông làm việc cho ĐH Cambridge và ngày 25/7/1978, Louise Joy Brown - em bé được thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên trên thế giới đã ra đời, là kết quả của những nỗ lực phi thường của ông và sự cộng tác của bác sĩ phẫu thuật Patrick Steptoe. Đây là bước ngoặt quan trọng và từ đó đến nay, công nghệ này đã mang lại niềm vui vô bờ bến cho biết bao gia đình hiếm muộn con cái trên toàn thế giới. Thành công của ông Edwards và ông Steptoe được đánh giá là một trong những tiến bộ y học lớn nhất trong thế kỷ 20, mang lại hy vọng cho hàng triệu gia đình hiếm muộn.

Thế nhưng, dưới một số góc nhìn khác, công nghệ này lại vấp phải sự phản đối gay gắt với những thành kiến nặng nề của các nhóm tôn giáo tín ngưỡng ở nước Anh. Hai nhà khoa học lặng lẽ làm việc bất chấp phản đối của Vatican, các vị đứng đầu các giáo hội khác và thậm chí là sự phản đối và công kích của rất nhiều nhà khoa học cũng như giới báo chí. Cả hai đã thực hiện 102 lần thụ tinh cho trứng và cấy vào cơ thể người nhưng đều thất bại. Có hai lần, người được cấy trứng mang thai nhưng sau đó một trường hợp phải bỏ thai vì thai nằm ngoài tử cung và một trường hợp bị sảy thai. Hội đồng nghiên cứu Y khoa Anh đã từ chối tài trợ cho hai ông, nhưng các ông đã tìm được tài trợ từ các nguồn tư nhân và tiếp tục theo đuổi nghiên cứu của mình. Trong một thời gian dài, ngành y tế nước Anh cũng không hề ủng hộ cho nghiên cứu của hai nhà khoa học này, tuy nhiên Steptoe và Edwards vẫn dành hết tâm sức và thời gian để phát triển kỹ thuật IVF. Năm 1980, họ đã thành lập Viện IVF đầu tiên trên thế giới, tại Bourn Hall-Cambridge.

Vatican phản đối IVF vì nó liên quan đến quan niệm về "quan hệ vợ chồng". Bằng kỹ thuật này, người ta có thể sinh con mà không cần có quan hệ tình dục. Sự sinh sản của con người đã bị thay đổi mãi mãi. Đặc biệt, việc người mẹ mang thai hộ được giới thiệu hồi thập niên 1980 đã đánh dấu sự tách rời tình dục khỏi sự sinh sản, sự sinh sản khỏi tình dục và cả tình dục lẫn sự sinh sản khỏi mô hình gia đình truyền thống. Và cho đến nay, Vatican vẫn chưa bao giờ hoàn toàn chấp nhận vấn đề này.

Hiện tại, khi giải Nobel vừa được công bố, chưa có phản hồi chính thức của Vatican. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người Anh cảm nhận được phần nào tầm quan trọng của công việc mà hai nhà khoa học đang làm và họ đã lên tiếng chỉ trích việc Nữ hoàng Anh không phong tước hiệu "hiệp sĩ" cho Edwards. Một giáo sư ở trường Đại học Luân Đôn nói "Thật là một điều đáng xấu hổ cho nước Anh khi không vinh danh nhà khoa học vĩ đại này một cách xứng đáng hơn". Cuộc tranh luận liên quan đến việc thụ tinh trong ống nghiệm vẫn chưa kết thúc mặc dù việc thụ tinh trong ống nghiệm đã trở nên quen thuộc với tất cả mọi người. Một số chuyên gia vẫn đặt mỗi nghi ngờ về tuổi thọ của những người cho trứng và tinh trùng, và một câu hỏi nữa là có nên chấp thuận cho những người đồng tính thực hiện kỹ thuật này không? Chính phủ nhiều nước vẫn còn có ít nhiều e dè. Ở Pháp, những người đồng tính nữ không được phép xin tinh trùng để mang thai và ở Anh, người phụ nữ cho trứng chỉ được trả một khoản tiền nhỏ. Đức và Italy đều cấm việc đông lạnh phôi. Năm 2006, một phụ nữ Tây Ban Nha 67 tuổi đã gây xôn xao cả thế giới khi bà mang thai đôi nhờ kỹ thuật IVF. Và sự việc này càng gây tranh cãi khi bà mất 2 năm sau đó.

dbgbPicture5

Và cùng với "người cha lớn" của mình, Giáo sư Robert G. Edwards, hơn 30 năm sau.

Louise Brown, em bé đầu tiên ra đời nhờ IVF, nay đã là một người phụ nữ 32 tuổi và cậu con trai 4 tuổi của cô - cậu bé được cô mang thai và sinh nở hoàn toàn tự nhiên như bao phụ nữ khác- cũng đến dự buổi trao giải Nobel để chúc mừng nhà khoa học đã mang cuộc sống đến cho cô. "Tôi và mẹ vô cùng vui mừng khi biết tin giáo sư Edwards đã được thế giới chính thức công nhận thành tựu vĩ đại mà ông đáng được vinh danh. Tôi mang cả con trai tôi đến để chúc mừng ông". Có lẽ, sức khỏe của Louise Brown và cậu con trai nhỏ của cô đã làm xóa dần những nghi ngờ về sức khỏe của những đứa trẻ sinh ra trong ống nghiệm và sau hơn ba mươi năm lưỡng lự, đây phải chăng là cú huých cuối cùng đưa đến quyết định của Ủy ban Nobel cho giải thưởng này? Có hàng triệu cuộc đời thay đổi nhờ công trình của Edwards và Steptoe, nhưng trong số đó, chắc chắn rằng rất nhiều người không hề biết đến tên các ông. Giờ đây, khi cái tên Edwards được xướng lên với giải thưởng cao quý này, thì Edwards đã ở tình trạng sức khỏe không được tốt và ông không đủ sức để có thể trả lời một cuộc phỏng vấn dài.

 

NGUYỄN SƠN (B.SK&ĐS)