Lần đầu tiên Việt Nam ghép van tim từ người chết não

Hai van tim của một ca tử vong do chết não đã được các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức Hà Nội sử dụng để ghép và cứu sống cho hai bệnh nhân mắc bệnh tim. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện việc ghép van tim đồng loại.

Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Phó trưởng khoa Phẫu Thuật tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức, cho biết, hai ca ghép van tim trên đều thành công và đến sáng nay, cả hai bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn và tiếp tục được hồi sức, theo dõi. Một bệnh nhân được thay van là nam, 35 tuổi, người Hà Giang, bị hỏng van động mạch chủ, trường hợp còn lại là một cháu bé 11 tuổi, bị dị tật bẩm sinh ở tim và phải ghép van động mạch phổi. Hai van tim này được lấy từ một bệnh nhân tử vong do chết não – được người nhà hiến nội tạng cho bệnh viện. Từ gan, hai quả thận, hai giác mạc và hai van tim của người này, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã ghép thành công, cứu chữa được cho 7 bệnh nhân. Tiến sĩ Dương Đức Hùng cho biết, hiện nay số bệnh nhân cần được thay van tim rất lớn, đa số là những người trẻ.

dbgbPicture1

Các bác sĩ đang phẫu thuật ghép van tim cho bệnh nhân bị hỏng van động mạch chủ

 

Trước đây, van tim dùng để thay thường là loại van nhân tạo hay van sinh học. Van nhân tạo được làm bằng các chất hóa học như titan… sử dụng được khoảng 8-12 năm nhưng phải dùng kèm thuốc chống đông và theo dõi thường xuyên, chỉ cần thừa một chút thuốc chống đông sẽ gây chảy máu không cầm lại, còn nếu thiếu thì gây hỏng van. Vì vậy, khi thay van này, bệnh nhân có thể đối mặt với nhiều biến chứng, có thể tử vong hoặc phải mổ lại để điều chỉnh van. Van sinh học là các loại van tim của động vật như lợn, bò…, đã qua các khâu xử lý, có ưu điểm là không phải sử dụng thuốc chống đông nhưng lại có thời gian sử dụng rất ngắn, chỉ khoảng 6-8 năm, có bệnh nhân chỉ được 3 năm. Trong khi đó, van tim lấy từ đồng loại vừa không cần dùng thuốc chống đông, lại có thể sử dụng được ít nhất 20 năm mới thoái hóa, và thế giới từng ghi nhận có người sau ghép hơn 30 năm vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên, do kỹ thuật ghép van tim khá phức tạp, số van đồng loại có được để thực hiện phẫu thuật (từ nguồn hiến tạng) cũng không nhiều nên hiện nay trên thế giới cũng mới chỉ thực hiện được một số ít các ca mổ này. Còn tại Việt Nam, Bệnh viện Việt Đức là đơn vị đầu tiên thực hiện phẫu thuật này. Theo bác sĩ Hùng, thành công của ca ghép van tim này cho thấy các bác sĩ Việt Nam có thể hoàn toàn làm chủ những kỹ thuật phẫu thuật khó trên thế giới, đồng thời mở ra một kỳ vọng lớn cho những bệnh nhân phải thay van tim, từ nguồn hiến tạng.