Kỹ thuật chẩn đoán bằng hình ảnh mới phát hiện tế bào ung thư nhanh
Một nhóm nghiên cứu của trường đại học Illinois (Mỹ) vừa mới phát triển một kỹ thuật chẩn đoán bằng hình ảnh mới hứa hẹn chấm dứt chuyện phải chờ đợi kết quả sinh thiết kéo dài, mệt mỏi và gây tâm lý lo lắng.
Kỹ thuật mới tạm dịch là “Chẩn đoán hình ảnh xung động giao thoa phi tuyến tính” (NIVI) đã được ứng dụng thử nghiệm chụp phát hiện mô và tế bào ung thư vú ở chuột. Kết quả là những hình ảnh đã được mã hóa bằng màu của các mô bao quanh tế bào ung thư rất dễ đọc và có độ chính xác cao (hơn 99%). Toàn bộ quá trình chỉ mất chưa đầy 5 phút. Các phương pháp chẩn đoán hiện nay mang tính chủ quan, dựa vào khả năng đọc kết quả hình ảnh về hình dạng và cấu trúc tế bào của bác sĩ. Nó cũng đòi hỏi phải mất ít nhất 1 ngày. Phương pháp mới mang tính định lượng hơn và nhanh hơn. Thay vì tập trung vào cấu trúc mô và tế bào, NIVI xây dựng hình ảnh dựa trên thành phần cấu tạo phân tử. Tế bào bình thưởng có nồng độ lipid cao còn tế bào ung thư sản sinh ra nhiều protein hơn.
Mỗi loại phân tử có xung động riêng của mình. Khi xung động đó cộng hưởng mạnh lên, nó sẽ tạo thành một tín hiệu giúp phát hiện ra những tế bào có phân tử đó tập trung nhiều. NIVI sử dụng 2 tia laser để kích hoạt các phân tử. Qua việc điều chỉnh tần số các tia này, các nhà nghiên cứu có thể phân biệt chính xác tế bào khỏe mạnh và tế bào ung thư.
(*) ảnh: Nhóm khoa học phát triển kỹ thuật mới sử dụng tia laser để phát hiện tế bào ung thư
TỐ UYÊN
Theo Science Daily