Thuốc điều trị cao huyết áp và xương

Theo nhiều nghiên cứu gần đây, beta-blockers - thuốc được sử dụng trong điều trị cao huyết áp và phòng ngừa bệnh tim mạch - có thể có một hiệu quả bất ngờ khác là tăng mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Khoảng 1/3 dân số cao tuổi ở trong tình trạng cao huyết áp và khoảng 25% nữ trên 50 tuổi trong tình trạng loãng xương. Do đó, mối liên hệ giữa loãng xương và bệnh tim mạch mang một ý nghĩa lớn đến y tế cộng đồng.

Khám phá “đẹp nhất” cho ngành xương

Bắt đầu từ thập niên 1970, beta-blockers được dùng cho điều trị cao huyết áp, và đến thập niên 1980 thì thuốc được xem là một liệu pháp ưu tiên cho điều trị cao huyết áp. Nhưng đến cuối thập niên 1990, một phân tích tổng hợp trên 16.000 bệnh nhân cho thấy beta-blockers tuy giảm huyết áp nhưng không có hiệu quả phòng chống các biến cố tim mạch như nhóm thuốc diuretics. Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng ở những bệnh nhân có tiền sử suy tim hay nhồi máu cơ tim, beta-blockers có hiệu quả giảm các biến cố tim mạch. Mấy năm gần đây, beta-blockers tuy vẫn còn là thuốc điều trị cao huyết áp và bệnh tim mạch nhưng không phổ biến như 20 năm trước vì những quan tâm đến phản ứng phụ của thuốc.

Khoảng ba năm trước, qua một loạt nghiên cứu công bố trên các tập san Cell và Nature, một nhóm nghiên cứu của Đại học Columbia (New York, Mỹ) chứng minh rất thuyết phục rằng não cũng có vai trò kiểm soát sự chu chuyển của xương. Não điều khiển quy trình chuyển hóa của xương bằng cách kích hoạt một protein có tên là leptin. Leptin có nhiệm vụ kiểm soát các tế bào tạo xương bằng cách kích hoạt hệ thống thần kinh có tên là sympathtic nervous system (SNS, hay hệ thần kinh giao cảm). Chuột thiếu leptin (hay không có leptin) có mật độ xương tăng cao. Khi bơm leptin vào não thì mật độ xương trở lại bình thường. Khi chuột bị “loãng xương” được điều trị bằng cách chèn hệ SNS bằng beta-blocker thì xương của chúng tăng. Đó là một trong những khám phá hào hứng nhất và có thể nói là “đẹp nhất” trong ngành xương, một khám phá làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người về mối liên hệ giữa xương và hệ thống thần kinh.

Chưa thể áp dụng cho bệnh nhân loãng xương

Những kết quả nghiên cứu trong vòng mười năm qua tuy có phần thiếu nhất quán nhưng xu hướng chung cho thấy beta-blockers có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe của xương. Cần nói thêm rằng tỉ lệ giảm nguy cơ gãy xương của beta-blockers cũng tương đương các thuốc đặc trị cho bệnh loãng xương. Do đó, câu hỏi đặt ra là beta-blockers sẽ được dùng cho điều trị loãng xương trong tương lai? Theo tôi, câu trả lời là chưa. Tất cả những nghiên cứu về beta-blockers và xương trong thời gian qua chỉ mới là những nghiên cứu cơ bản hoặc nghiên cứu quan sát, và dữ liệu từ những nghiên cứu này chưa đủ giá trị khoa học để áp dụng cho bệnh nhân loãng xương. Cần phải có thêm nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên mới trả lời được câu hỏi trên. Nhưng những kết quả gần đây gợi ý một định hướng mới cho việc tìm hiểu mối liên hệ giữa não và xương, có thể dẫn đến một cuộc cách mạng trong việc điều trị bệnh loãng xương.

Như đề cập trên, beta-blockers được dùng khá phổ biến trong cộng đồng nên ảnh hưởng của thuốc đến loãng xương cũng có thể không nhỏ. Thật vậy, khoảng 20-30% người cao tuổi đang dùng beta-blockers. Họ cũng chính là những người có nguy cơ gãy xương cao. Thế nhưng vài năm gần đây người ta có xu hướng giảm dùng beta-blockers (vì có vài phản ứng phụ) và chuyển sang thuốc khác mới hơn. Nếu xu hướng này tiếp tục thì gánh nặng loãng xương ở người cao tuổi có thể tăng trong tương lai. Dù sao đi nữa, những kết quả của chúng tôi nói lên rằng những người đang sử dụng beta-blockers có thể an tâm phần nào về nguy cơ gãy xương.

NGUYỄN VĂN TUẤN
Theo Tuổi Trẻ