Chọn Lựa Phương Pháp Điều Trị cho BN Sỏi Ống Mật Chủ Kèm Sỏi Túi Mật

1. Chỉ định cắt túi mật nội soi: Sỏi túi mật không triệu chứng chiếm 80%. Một số tác giả không chủ trương cắt túi mật trong trường hợp này, nhưng ngày nay nhờ sự phát triển của PTNS, nên chỉ định cắt túi mật rộng rãi hơn nhằm ngăn ngừa các biến chứng như viêm túi mật cấp, viêm tụy cấp, ung thư túi mật.

Sỏi túi mật có triệu chứng: chiếm 20%. Các triệu chứng và biến chứng như: đau (70%), viêm túi mật cấp, viêm túi mật mạn, ung thư túi mật (80% K túi mật có sỏi), viêm tụy cấp.

2. Những bệnh lý không phải sỏi túi mật
- U tuyến (adenoma): đây là thương tổn tiền ung thư, tỷ lệ K ở các u tuyến TM kích thước >=1cm là 6-13%. Có chỉ định cắt TM.
- Polyp cholesterol: thương tổn loại u giả này không có tăng sinh tế bào, hình thành do tích tụ lipid trên thành túi mật nên không bao giờ thoái hóa thành K => không có chỉ định cắt TM, nếu không có cơn đau quặn mật.
- Đa u tuyến cơ tuí mật (Adenomyomatosis): thương tổn có đặc điểm lớp cơ dày và tăng sinh niêm mạc thành túi mật, đôi khi kết hợp với K TM => có chỉ định cắt TM.
- Ung thư túi mật: Nếu chẩn đoán trước mổ là K TM thì không nên PTNS, vì mổ mở đánh giá mức độ xâm lấn tốt hơn, và qua đó có thể cắt hạ phân thùy IV –V nếu khối K xâm lấn vào vùng gan lân cận.
3. Chọn lựa phương pháp điều trị sỏi OMC kèm sỏi túi mật: Các quan điểm điều trị BN sỏi OMC kèm sỏi túi mật tùy thuộc vào các yếu tố sau đây:
- Sỏi OMC phát hiện trước, trong, hay sau mổ sỏi TM.
- Đặc diểm của sỏi và OMC: kích thước sỏi, đường kính OMC, kênh chung mật - tụy.
- Đặc điểm Bệnh nhân (BN): tuổi, thể trạng BN, tiền sử mổ bụng…
- Trang bị kỹ thuật của cơ sở điều trị: máy mổ nội soi, máy ERCP, máy soi đường mật, C-arm chụp hình đường mật…
- Khả năng, kinh nghiệm của Phẫu thuật viên; cơ chế của bệnh viện…

4. Các kỹ thuật chẩn đoán sỏi ống mật chủ
a. Chẩn đoán sỏi ống mật chủ trước mổ
- Siêu âm bụng: là phương pháp kinh điển, có độ chính xác cao trong chẩn đoán sỏi túi mật, nhưng không cao trong sỏi OMC, đặc biệt khi sỏi nhỏ và sỏi ở đoạn cuối OMC. Siêu âm bụng chỉ có khả năng chẩn đoán sỏi OMC khoảng 50%. Theo một số tác giả, vai trò của siêu âm chỉ có tính chất tầm soát, cần lưu ý dấu hiệu gián tiếp khi không thấy sỏi OMC mà đường mật trong và ngoài gan dãn, bilirubine máu tăng …, thì nên làm thêm một số xét nghiệm cao cấp hơn để có chẩn đoán chính xác.
- Chụp mật tụy ngược dòng qua nội soi (ERCP): có độ chính xác cao (#96%). Khi đã xác định sỏi OMC bằng ERCP, thì qua đó có thể cắt cơ vòng và lấy sỏi trước khi mổ cắt túi mật nội soi (thành công #80-90%).
- Chụp cắt lớp điện toán: Chụp CT thường có độ nhạy 76-90%, trong khi CT xoắn ốc có thuốc cản quang cho độ nhạy đến 88%, độ đặc hiệu 97% và độ chính xác 94%.
- Chụp cộng hưởng từ mật tụy: độ nhạy 100%, độ đặc hiệu 96%.
- Siêu âm nội soi: độ chính xác 95%.
- Chụp mật qua da: có tỷ lệ thành công cao (90-100%), nhưng tỷ lệ biến chứng cũng cao (5-8%).
b. Chẩn đoán sỏi ống mật chủ trong mổ
- Chụp X quang đường mật trong mổ: tỷ lệ thành công # 94%, phát hiện được từ 4-8,6% sỏi OMC im lặng trong cắt túi mật nội soi. Nên chụp hình đường mật khi mổ nội soi cắt túi mật mà thấy OMC dãn >9mm. 
- Siêu âm trong mổ: độ chính xác cao, nhưng trang thiết bị thường không có sẵn và đòi hỏi bác sỹ siêu âm có nhiều kinh nghiệm.

5. Quan điểm hiện nay trong điều trị sỏi OMC kèm STM theo khuynh hướng điều trị ít xâm hại, có thể:
- ERCP lấy sỏi OMC trước, sau đó cắt TM NS
- ERCP lấy sỏi OMC cùng lúc cắt TM NS
- PTNS cắt túi mật và lấy sỏi OMC ( qua ống túi mật hay mở OMC)
- Mổ mở cắt TM và lấy sỏi OMC theo kinh điển

KẾT LUẬN: Với sự phát triển và áp dụng nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới, ít xâm hại, hiện nay phẫu thuật viên có nhiều lựa chọn phương cách điều trị tốt hơn cho bênh nhân sỏi OMC kèm sỏi túi mật. Việc chọn lựa cách điều trị tùy thuộc vào trang thiết bị tại cơ sở y tế cũng như kinh nghiệm và tay nghề của phẫu thuật viên, nhằm đạt được hiệu quả cao nhất và an toàn nhất cho người bệnh.

BS. LÊ VĂN TẰM – BVHMĐN