Hội nghị thu hút đầu tư hợp tác công - tư trong y tế: Tạo sự công bằng trong phát triển

Trong hai ngày 26-27/5, Hội nghị thúc đẩy đầu tư và hợp tác công - tư trong lĩnh vực y tế do Bộ Y tế tổ chức đã diễn ra tại TPHCM. Tham dự hội nghị có nhiều bộ, ngành, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), các chuyên gia trong và ngoài nước cùng các đơn vị y tế công - tư trong cả nước.

Tiềm năng về đầu tư y tế

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết, thời gian qua có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đặt vấn đề với Chính phủ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Y tế và địa phương để tìm nhu cầu đầu tư. Nhu cầu hợp tác công - tư (PPP) hiện đang được nhiều quốc gia quan tâm và khuyến khích do hệ thống công không thể cung cấp toàn bộ các dịch vụ công cộng vì hạn chế nguồn lực. Ông Alain Barbu, Giám đốc quản lý danh mục dự án, Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, Việt Nam là một trong những nước được sự quan tâm đặc biệt của Ngân hàng Thế giới trong hoạt động đầu tư tài chính cho y tế. Ông Alain Barbu cũng đặt vấn đề về việc Chính phủ Việt Nam cần có cơ chế khuyến khích để hệ thống y tế tư nhân phát triển. Ông Alain Barbu cam kết các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới sẽ đồng hành cùng hội nghị, tích cực thảo luận, tìm ra hướng phát triển tốt nhất cho hệ thống y tế tư nhân.

9

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu và các đại biểu tại Hội nghị (Ảnh: TG).

Ông Emmett Moriarity, Công ty Tài chính Quốc tế khẳng định, đầu tư vào lĩnh vực y tế tư  nhân tại Việt Nam là một triển vọng. Theo ông Emmett Moriarity, sự già hóa dân số sẽ tác động đáng kể lên chăm sóc sức khỏe và tài chính. Hiện dân số Việt Nam có tỷ trọng cao của nhóm dân số trẻ, tạo nên nhu cầu về chăm sóc trẻ em. Bên cạnh đó, dân số trên 65 tuổi ít nhưng tăng nhanh, tạo ra nhu cầu chăm sóc sức khoẻ liên quan đến các bệnh của tuổi già.

 

30.000 phòng khám tư

Theo ông Phạm Lê Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế, bên cạnh hệ thống y tế công, tại Việt Nam hiện đã hình thành mạng lưới y tế tư nhân, gồm hơn 30.000 phòng khám chữa bệnh tư nhân và 102 bệnh viện tư với hơn 5.400 giường bệnh (gồm cả bốn bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài) ở 29 tỉnh, thành phố. So với nhu cầu cung cấp dịch vụ y tế, cơ sở vật chất ở các đơn vị y tế nhà nước hiện vẫn chưa đạt tiêu chuẩn, thậm chí kém xa so với một số nước trong khu vực. Chi cho đầu tư phát triển chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng chi y tế quốc gia. Ước tính mỗi năm, số bệnh nhân Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh khoảng 30.000 người với chi phí trên 1 tỉ USD và ngày càng có xu hướng tăng. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: "Thời gian qua, việc xã hội hóa đầu tư phát triển y tế đã đạt những kết quả nhất định, như tăng số lượng cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, đầu tư trang thiết bị trong những cơ sở y tế công lập. Tuy nhiên, các hoạt động xã hội hóa diễn ra không đồng đều, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi khó khăn". Theo TS. Khuê, cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, tạo cơ chế và thủ tục thông thoáng hơn, thực hiện công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, xem xét cấp các điều kiện hành nghề y tư nhân.

 

Khó của y tế tư nhân

Tại Hội nghị,  PGS.TS Trần Văn Thái, Chủ tịch Hội Hành nghề Y tư nhân Việt Nam (YTTN) cho rằng, y tế tư nhân  xuất phát từ nhiệt tình, tự phát, tự lực đầu tư để xây dựng phòng khám tư và bệnh viện tư. Khó khăn nhất để phát triển YTTN là vốn vì chưa được hỗ trợ về biện pháp tạo vốn. Nếu được vay vốn ODA, Ngân hàng Thế giới thì các đơn vị tư nhân sẽ phát triển mạnh mẽ, khả năng hoàn vốn cao. Theo GS. Viện sĩ Dương Quang Trung - Chủ tịch Hội Hành nghề Y dược TP HCM,  hệ thống y tế Việt Nam hiện dựa chủ yếu vào nhà nước. TP HCM là nơi phát triển mạnh nhất cả nước các hoạt động hành nghề y tế tư nhân nhưng vấn đề tồn tại là thường xuyên thiếu cán bộ. Theo BS. Nguyễn Hữu Tùng, Tổng Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ (TP HCM) đối với nhà đầu tư y tế trong và ngoài nước, cần có chiến lược đầu tư trực tiếp, lâu dài. Mục tiêu nhằm phát triển đồng đều dịch vụ y tế công tư, chuẩn mực hoá bệnh viện; cải thiện kỹ thuật y khoa; nâng tỷ lệ ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bệnh viện; đáp ứng các phân khúc thị trường dịch vụ y tế; cải thiện lộ trình hội nhập y tế quốc tế.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết: Trong thời gian tới, chúng ta cần nâng cao hiệu quả và chất lượng của từng ngành/sản phẩm y tế theo hướng gắn kết với mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp phát triển hệ thống y tế đến 2020-2030;  các địa phương cần có chiến lược thu hút, sử dụng đầu tư ngoài ngân sách và căn cứ các quy hoạch nói trên, xây dựng các danh mục dự án ưu tiên gọi vốn đầu tư (trong và ngoài nước) với các thông tin cụ thể. Tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác vận động, xúc tiến đầu tư theo chiều hướng coi việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư đã được cấp giấy phép.

 

HUYỀN TRANG (Hội hành nghề y tư nhân Việt Nam)