Bộ Y tế: Đầu tư bệnh viện tư nhân sẽ tăng cao

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) trong vòng hai năm kể từ năm 2008, tổng số bệnh viện tư nhân trên cả nước đã tăng lên đáng kể, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công.

Hiện, cả nước có 97 bệnh viện tư nhân đang hoạt động, gồm 30 bệnh viện chuyên khoa, 67 bệnh viện đa khoa tại 29/63 tỉnh thành, so với 70 bệnh viện tư nhân trong năm 2008. Ngoài ra, thời gian qua Cục Quản lý khám chữa bệnh đã cấp mới và gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y tư nhân cho 48 bệnh viện và phòng khám có vốn đầu tư nước ngoài; cấp và gia hạn chứng chỉ hành nghề y tư nhân cho 338 bác sĩ là người đứng đầu bệnh viện; đồng ý về chủ trương 81 dự án thành lập bệnh viện với tổng số 20.028 giường bệnh. Trong lúc đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 4 tháng đầu năm nay, tổng số vốn FDI cho dự án y tế chỉ đạt 200.000 đô la Mỹ và có 1 dự án tăng vốn đầu tư lên 2,6 triệu đô la. Tính đến nay, cả nước có 70 dự án đầu tư nước ngoài trực tiếp vào lĩnh vực y tế với tổng vốn đăng ký là 908 triệu đô la. Mặc dù, vốn đầu tư FDI vào y tế còn khiêm tốn, song Bộ Y tế vẫn nhận định rằng trong những năm tới, số bệnh viện tư nhân và bệnh viện có vốn FDI sẽ tăng mạnh khi một loạt chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực khám chữa bệnh được triển khai, nhiều rào cản trong hoạt động y tế tư nhân được tháo gỡ khi áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế.

Theo đó, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian hoạt động, thay vì 28%. Doanh nghiệp mới thành lập còn được miễn thuế tối đa 4 năm (thay vì 2 năm) và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. Một số loại dự án đầu tư, mở rộng, xây mới bệnh viện cũng được ưu đãi hơn về mức vốn vay, tối đa tới 70% tổng vốn của dự án. Ngoài ra, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ thông qua thành lập bệnh viện 100% vốn nước ngoài, liên doanh với đối tác Việt Nam hoặc thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Vốn đầu tư tối thiểu của một bệnh viện là 20 triệu đô la Mỹ, phòng khám đa khoa là 2 triệu đô la và cơ sở điều trị chuyên khoa là 200.000 đô la. Do đó, trong thời gian tới lĩnh vực y tế sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn của nhà đầu tư nước ngoài. Các bệnh viện tư nhân đóng góp 6.210 giường bệnh, chiếm 3,7% so với tổng số giường bệnh viện công lập, đạt 0,7% giường bệnh cho 10.000 dân. Trung bình có 28 người hành nghề y tư nhân/100.000 dân. Gần 70% số bác sỹ hành nghề y tư nhân là cán bộ nhà nước, chủ yếu hành nghề theo hình thức phòng khám chuyên khoa ngoài giờ.


HẢI VÂN (Thời báo KTSG)