Bàn luận về trường hợp lâm sàng: Viêm Giá U Hốc Mắt

Bệnh nhân V.V.T (48 tuổi)  nhập viện với triệu chứng  đau ½ mặt phải dai dẳng gần một tháng kèm theo khả năng nhìn kém dần, trước đó bệnh nhân đã được các bác sĩ tại một bệnh viện khác điều trị theo hướng đau dây thần kinh V với các thuốc giảm đau mạnh, triệu chứng đau nửa mặt giảm nhưng bệnh nhân  vẫn thấy thị lực bị suy giảm.

Ngay sau khi nhập viện, ghi nhận Bệnh nhân (BN)  tỉnh táo hoàn toàn, đau nhiều vùng mắt và nửa mặt bên phải, nhìn kém, mạch 70 lần/phút, nhiệt độ 37 độ C, huyết áp 180/100 mmHg, mắt phải lồi rõ, mô xung quanh mắt nề, khám đồng tử 2 bên đáp ứng ánh sáng tốt, thị lực mắt phải 2/10, mắt trái 10/10 , nhãn áp mắt phải cao 45, mắt trái 23, nhãn cầu mắt phải lồi, kết mạc phù nề, vận nhãn hạn chế phía dưới, khám các cơ quan khác chưa phát hiện bất thường. Tiền sử cá nhân không có bệnh lí cao huyết áp, không bị bướu cổ, không có sang chấn vùng mặt, tiền sử gia đình không có gì đặc biệt.   

BN được làm các xét nghiệm thường qui như chụp phổi thẳng, đo điện tim, siêu âm bụng tổng quát… tuy nhiên chưa phát hiện bất thường. Hội chẩn giữa khoa nội và khoa mắt đã quyết định theo dõi  trường hợp tăng nhãn áp cấp tính / viêm giả u hốc mắt – gián biệt u hốc mắt và BN được chụp cắt lớp hốc mắt chẩn đoán. Kết quả chụp CT hốc mắt cho thấy nhãn cầu 2 bên không thấy bất thường về hình dạng và kích thước, thần kinh thị 2 bên trong giới hạn bình thường, tổ chức cơ vận nhãn bên phải hơi dày so với bên trái.

Sau khi hội chẩn bệnh nhân được điều trị theo hướng 1 trường hợp viêm giả u hốc mắt / tăng huyết áp với các loại

- Kháng sinh :Levofloxacin 500 mg / ngày uống
- Kháng viêm :solumedrol 80mg / ngày tiêm tĩnh mạch
- Giảm đau mạnh :efferalgan codein 500mg X 3 viên / ngày uống
- Hạ huyết áp dòng ức chế canxi:amlodipin 5mg / ngày  uống
- Acetazolamide 250mg x 2 viên / ngày uống kèm kali
- Nhỏ mắt phải bằng dung dịch Nyolon, travatan.  

Sau điều trị 3 ngày với các thuốc trên, bệnh nhân giảm đau mắt dần, ngủ được, thị lực mắt phải cải thiện dần, tổ chức quanh mắt bớt nề, nhãn cầu đỡ lồi hẳn, đo lại nhãn áp và thị lực kết quả thật ngoạn mục : mắt phải thị lực 10/10, nhãn áp giảm còn 21, kết mạc nhãn cầu bớt phù nề, bệnh nhân được xuất viện sau 3 ngày điều trị tại khoa nội, hẹn tái khám theo chuyên khoa sau 1 tuần, hiện nay bệnh nhân trở lại sinh hoạt bình thường.

BÀN LUẬN

- Bệnh viêm giả u hốc mắt là một phần quan trọng của bệnh lý hốc mắt. Ở Việt Nam viêm chiếm 20-25% khối choán chỗ hậu nhãn cầu, trên thế giới chiếm 8%.

- Lâm sàng kinh điển của viêm giả u hốc mắt là những dầu hiệu viêm hốc mắt như nhức đầu, lồi nhãn cầu, cương tụ và phù nề kết mạc, sưng tấy quanh hốc, hạn chế vận nhãn đau khi liếc, tăng nhãn áp, song thị và thường bị một mắt. Chụp cắt lớp vi tính hốc mắt cho thấy hình ảnh các cơ bị phì đại, mức độ lan tỏa của u giả viêm, dày bất thường màng xương hốc mắt, phì đại tuyến lệ, phì đại thị thần kinh.

- Viêm giả u hốc mắt cần phân biệt với các viêm đặc hiệu như bệnh lý hốc mắt tuyến giáp (Graves), sarcoidosis, bệnh hạt Wagene... Căn cứ vào lâm sàng, khó phân biệt giữa giả u và u thật. U thật ở hốc mắt có xu hướng phát triển chậm và thường không có dấu hiệu viêm, nhưng cũng có một số giả u biểu hiện như không có viêm. Nhất là ở trẻ em thấy có viêm trong những u thật như trường hợp sarcom cơ vân, hay u nang bì vỡ gây viêm hốc mắt. Do vậy, tất cả những bệnh nhân có dấu hiệu viêm giả u hốc mắt cần phải được chụp cắt lớp vi tính. CT Scan giúp rất nhiều trong việc chẩn đoán phân biệt với lympho hốc mắt, bệnh hốc mắt liên quan tuyến giáp , viêm tổ chức hốc mắt trước vách ngăn, những u ác tính xâm lấn hoặc di căn, giúp khu trú chính xác vị trí u và những tổn thương đi kèm.
- Dựa trên hình ảnh CT Scan, tùy theo vị trí viêm người ta chia viêm giả u ra 5 hình thái:
1. U giả viêm trước: biểu hiện viêm liên quan đến hốc mắt và nhãn cầu như phù mi, sụp mi, viêm màng bồ đào, viêm gai thị.
2.
 U giả viêm tỏa lan: giống hình thái trước, kèm thêm dày hắc củng mạc, gia tăng khoảng dưới Tenon, bệnh học thị thần kinh cũng trầm trọng hơn.
3. U giả viêm đỉnh: có xu hướng dẫn đến bệnh lý thần kinh, thể này trước đây gọi là hội chứng Tolosa-Hunt.
4. U giả viêm cơ: với một hay nhiều cơ bị viêm.
5. U giả viêm tuyến lệ: sờ đau, mi trên biến dạng chữ S, cương tụ vùng mi thái dương và kết mạc cùng đồ trên tương ứng tuyến lệ.

Điều trị Viêm giả u hốc mắt: Điều trị viêm giả u hốc mắt có 3 phương pháp chính: corticoide liều cao, xạ trị và thuốc ức chế miễn dịch. Với steroide đôi khi u lympho ác tính và các bệnh khác cũng đỡ tạm thời, Sau đó giảm dần liều lượng steroide. Nếu không có gì bất thường xảy ra thì không cần làm sinh thiết. Cần phải thận trọng trong việc làm sinh thiết hốc mắt  vì có thể làm cho viêm nặng thêm dẫn đến mù và liệt vận nhãn. Điều trị bằng steroide không hiệu quả cần được chữa trị bằng tia xạ tại chổ. Một số giả u vô hiệu với steroide hoặc tia xạ lại đáp ứng tốt với hóa chất như chlorambucil hoặc cyclophosphamide.

KẾT LUẬN : Cần cảnh giác bệnh lý này ở những bệnh nhân đau mặt một bên kèm giảm thị lực . Việc chẩn đoán sớm ,điều trị sớm tránh để lại những biến chứng nguy hiểm như mù mắt. Chụp cắt lớp vi tính hốc mắt là tiêu chuẩn tốt để phát hiện bệnh lý này. Bệnh nhân cần đến khám tại các cơ sở y tế có  đủ các chuyên khoa và trang thiết bị y tế hiện đại để tránh bỏ sót bệnh  như trường hợp vừa nêu.

 

BS. HÀ THỊ THANH HƯƠNG; NGUYỄN HUY HOÀNG – BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng

Tài liệu tham khảo

1. Bộ môn mắt trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh (2007), “Bướu hốc mắt”, Nhãn khoa lâm sàng, NXB Y học,  tr. 162 – 168.

2. Hà Huy Tiến (2005), “Viêm giả u hốc mắt”, Nhãn khoa lâm sàng, NXB Y học,  tr. 39 – 42.

3. Jeffrey T. Finer, M.D., Ph.D (2011),| Massachusetts Eye and Ear Infirmary, Harvard Medical School, Boston, MA.