Năm 2010, triển khai thí điểm mạng lưới phòng khám bác sĩ gia đình

Từ nay đến hết năm 2010, thành phố xây dựng thí điểm mạng lưới bác sĩ gia đình tại các trạm y tế ở quận 1, quận 8, huyện Củ Chi và 2 phòng khám đa khoa tư nhân.

* Việc triển khai BSGĐ tại TP.HCM sẽ bắt đầu như thế nào và khi nào sẽ áp dụng rộng rãi?

Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Trước mắt, năm 2010, dự án đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới thí điểm BSGĐ ở quận 1, 8 và huyện Củ Chi. Ngoài ra còn có thêm hai phòng khám BSGĐ đặt tại hai phòng khám tư nhân.

Các phòng khám BSGĐ sẽ được trang bị cơ sở vật chất theo đúng tiêu chuẩn, có bác sĩ chuyên khoa y học gia đình đảm trách và có cơ chế hoạt động thống nhất. Hỗ trợ chuyên môn cho năm phòng khám trên là Phòng khám BSGĐ của BV Đại học Y Dược TP.HCM, BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định, BV Nguyễn Tri Phương, BV Củ Chi và quận 1, 8. Đặc biệt, trong dự án thí điểm, nhờ hỗ trợ kỹ thuật từ Đại học Liège (Bỉ), Sở Y tế sẽ lồng ghép các công trình nghiên cứu khoa học để đánh giá khách quan tính hiệu quả của mô hình thí điểm. Tùy vào tính hiệu quả của dự án thí điểm, mô hình BSGĐ có thể được triển khai mở rộng trên các phường, xã khác.

* Thưa ông, cơ sở nào để TP.HCM quyết liệt triển khai mô hình BSGĐ?

Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực thi hành từ 1-1-2010, quy định đưa BHYT áp dụng chi trả đến tận tuyến phường, xã là thuận lợi rất lớn, giúp giảm quá tải tuyến trên. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy không thể triển khai có hiệu quả quy định này trong thời gian ngắn. Vì thế, cần có một giải pháp khả thi để giải quyết vấn nạn quá tải và áp dụng hiệu quả Luật BHYT. Mạng lưới BSGĐ đang được quan tâm với niềm tin sẽ mang lại hiệu quả giải quyết tình hình quá tải bệnh viện trước mắt và lâu dài. Các nghiên cứu đáng tin cậy của các nước Bỉ, Hoa Kỳ… cho thấy mô hình BSGĐ có thể giải quyết 70%-80% các vấn đề bệnh tật thông thường cho bệnh nhân và gia đình của họ.

* BSGĐ có gì khác so với các bác sĩ khác?

BSGĐ là những bác sĩ được đào tạo đa khoa với định hướng tiếp cận bệnh nhân đa tuyến, nhận biết được tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trong bối cảnh gia đình, môi trường và văn hóa, tâm lý của chính bệnh nhân. BSGĐ có thể xử trí vấn đề sức khỏe của người bệnh một cách rất riêng biệt, phù hợp cho từng người bệnh. Do vậy BSGĐ dễ tạo được sự tin tưởng, sự thân thiết của người bệnh. Đây là kỹ năng mà người bác sĩ thông thường không được đào tạo. BSGĐ còn là nhịp cầu trung gian giữa người bệnh và bệnh viện chuyên khoa. Qua hệ thống BSGĐ, người bệnh sẽ được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa khi cần thiết. Mặt khác, những trường hợp cần theo dõi, chăm sóc lâu dài sau khi can thiệp chuyên khoa sâu, BSGĐ sẽ hỗ trợ cho các bệnh viện chuyên khoa. Hiện nay đời sống khá lên, người dân đòi hỏi được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Người dân chờ đợi một nền y học lấy bệnh nhân làm trọng tâm, y bác sĩ biết lắng nghe và tin cậy… BSGĐ sẽ đáp ứng được yêu cầu đó.

 

DUY TÍNH (B. Pháp luật TP)