Viêm màng não tăng bạch cầu ái toan nghi do nhiễm kí sinh trùng
I. GIỚI THIỆU: Viêm màng não tăng bạch cầu ái toan là một bệnh hiếm gặp và thường do các nguyên nhân như nhiễm trùng hoặc có liên quan đến một số bệnh không lây nhiễm như ung thư máu, bệnh Hodgkin, do dùng thuốc. Dưới đây, chúng tôi báo cáo một ca viêm màng não tăng bạch cầu ái toan nghi do nhiễm kí sinh trùng.
II. TRÌNH BÀY CA BỆNH
Bệnh nhân nam 22 tuổi nhập viện với triệu chứng nhức đầu, nôn mửa, kèm ngủ gà. Bệnh nhân trước đó khỏe mạnh, không có thói quen ăn đồ tái sống, thỉnh thoảng hay đau bụng và có tiếp xúc chó con nhưng không thường xuyên. Khoảng hơn 10 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân kêu đau đầu liên tục vùng đỉnh và chẩm, không sốt, có khám và điều trị thuốc tại địa phương theo hướng chẩn đoán đau đầu vận mạch nhưng không đỡ.
- Lúc nhập viện ghi nhận : Bệnh ngủ gà, mạch 50 lần/phút, nhiệt 37 độ 5, huyết áp 110/70 mmHg, nhịp thở 16 lần/phút. Khám đáy mắt cho kết quả bình thường, khám thần kinh cho thấy dấu cứng cổ không rõ ràng, không có dấu thần kinh khu trú, dấu babinski âm tính 2 bên. Các cơ quan khác khám chưa phát hiện bất thường.
- Các xét nghiệm cận lâm sàng cho biết: số lượng bạch cầu 11000, trung tính 60%, lympho 20%, ái toan 20%, tiểu cầu 369000, tốc độ huyết trầm 10 mm/1g, 20mm/2g. Chọc dịch não tủy thấy dịch màu trắng đục, áp lực tăng, phân tích dịch não tủy cho thấy tể bào bạch cầu 220 con, trung tính 20%, ái toan 30%, lympho 50%, sinh hóa : glucose35mg/100ml, protein 73mg/100ml, vi trùng, nấm, lao, ấu trùng giun đều âm tính. Dịch não tủy đem nuôi cấy vô trùng cũng không tìm thấy tác nhân gây bệnh, xét nghiệm phân tìm kí sinh trùng âm tính.
- Chụp cắt lớp vi tính sọ não cũng không tìm thấy bất thường trên nhu mô. Huyết thanh chẩn đoán tìm kí sinh trùng như giun đũa chó, giun lươn, giun đầu gai, sán dây lợn chỉ dương tính với toxocaracanis.
Sau khi hội chẩn loại trừ các nguyên nhân gây tăng bạch cầu ái toan trong dịch não tủy như Hodgkin, ung thư máu, do thuốc . Một chẩn đoán viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do kí sinh trùng được nghĩ đến, bệnh nhân được điều trị ngay với albendazole 400mg x 2 viên /ngày uống kèm prednisolon liều 1mg /kg /ngày uống. Sau 10 ngày, các triệu chứng đau đầu, ngủ gà biến mất. Làm công thức máu kiểm tra cho kết quả bạch cầu 8500, trung tính73%, lympho 20%, ái toan 7%. Chọc dịch não tủy kiểm tra thấy dịch trong, áp lực bình thường. Phân tích dịch não tủy bạch cầu 165 con, trung tính 20%, lympho 45%, ái toan 35%, protein 70mg/100ml, glucose 46mg/100ml.
Bệnh nhân được xuất viện điều trị ngoại trú với albendazole liều trên cho đủ 28 ngày, giảm liều prednisolon rồi cắt hẳn sau 2 tuần. Sau 28 ngày điều trị, bệnh nhân trở lại kiểm tra công thức máu và chọc dịch não tủy, kết quả cho thấy mọi trị số gần như trở về bình thường, bệnh nhân ăn ngủ được, lên cân. Theo dõi tiếp 1 tháng sau, bệnh nhân khỏe và không xuất hiện lại các triệu chứng .
III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ BÀN LUẬN
- Viêm màng não tăng bạch cầu ái toan được xác nhận khi có tăng trên hoặc bằng 10% số bạch cầu ái toan trong dịch não tủy.
- Những nguyên nhân gây tăng bạch cầu ái toan trong dịch não tủy hay gặp là : Nhóm nguyên nhân do nhiễm trùng, thường gặp do giun mạch (angiostrongylus cantonensis), giun đầu gai (gnathostoma spinigerum), giun đũa chó, mèo(toxocaracanis/cati), ấu trùng sán lợn (cysticercosis), bệnh nấm coccidiodes immitis. Hiếm gặp hơn do sán máng (Schistosoma), sán lá phổi (paragonimus westermani), sán dây (echinococcus), giun xoắn (trichinella spiralis), giang mai thần kinh …
- Các nguyên nhân hiếm gặp như Hodgkin, hội chứng tăng nhiễm, liệu pháp ibuprofen, ung thư máu dòng lympho cấp, tiêm vắc xin dại.
- Trong các nguyên nhân do ký sinh trùng, giun mạch Angiostrongylus cantonensis và sán lá phổi gặp với tần suất nhiều nhất. Một số báo cáo cho thấy tỉ lệ viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do ấu trùng giun đũa chó cũng hay gặp. Âú trùng của giun nhiễm vào các vật chủ trung gian như ốc cua, tôm đồng, cá, ếch. Con người ăn phải vật chủ trung gian một cách tình cờ, ấu trùng di chuyển qua niêm mạc ruột vào tuần hoàn máu đến hệ thần kinh trung ương như não, tủy sống và rễ dây thần kinh gây nên bệnh cảnh lâm sàng của viêm màng não mềm. Đa số trường hợp sẽ gây tăng bạch cầu ái toan trong dịch não tủy và trong máu ngoại vi. Các triệu chứng của viêm màng não, não bao gồm đau đầu, nôn mửa, sốt, thay đổi tri giác ( ngủ gà, lú lẫn, nặng có hôn mê ), có thể co giật, động kinh, liệt các dây thần kinh sọ não, nặng có trường hợp tử vong.
- Ca bệnh mà chúng tôi báo cáo có đầy đủ các triệu chứng lâm sàng của một bệnh viêm màng não. Chẩn đoán nguyên nhân viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do kí sinh trùng dựa vào việc phân lập kí sinh trùng trong dịch não tủy, hoặc trong các mô. Điều này thật sự khó khăn cho các thầy thuốc vì tỉ lệ bắt gặp kí sinh trùng trong dịch não tủy và trong các mô rất ít. Định danh kí sinh trùng bằng các xét nghiệm huyết thanh ( ELISA) kèm dựa vào yếu tố dịch tể giúp hỗ trợ chẩn đoán. Ca bệnh của chúng tôi không phát hiện được ấu trùng toxocaracanis trong dịch não tủy nhưng với với kết quả huyết thanh dương tính với toxocaracanis nhưng âm tính với các loại kí sinh trùng thường gây tăng bạch cầu ái toan khác kèm yếu tố tiếp xúc chó con, đáp ứng lâm sàng tốt với liệu pháp phối hợp albendazole và corticoide làm chúng tôi hướng đến nguyên nhân do toxocaracanis là nhiều nhất
- Hiện nay chưa có phác đồ điều trị tối ưu cho bệnh lí này, nhiều báo cáo cho thấy việc sử dụng albendazole, levamisole, hay mebendazole phối hợp glucocorticoid dường như có lợi. Corticosteroid có hiệu quả giảm áp lực nội sọ ,cải thiện các triệu chứng thần kinh do phản ứng viêm gây ra khi giun chết.
IV. KẾT LUẬN
- Tóm lại, nên nghi ngờ viêm màng não tăng bạch cầu ái toan khi khám trên lâm sàng bệnh nhân có biểu hiện thần kinh đi kèm với tăng bạch cầu ái toan trong máu ngoại vi. Chọc dịch não tủy là điều nên làm sớm để chẩn đoán xác định. Định danh kí sinh trùng bằng các xét nghiệm huyết thanh, phân lập kí sinh trùng trong dịch não tủy và trong các mô là cần thiết để tìm nguyên nhân.
- Việc điều trị nên bắt đầu sớm để hạn chế biến chứng và di chứng về sau. Bệnh nhân cần được theo dõi sát trong quá trình điều trị nội trú cũng như sau khi ra viện. Vệ sinh thực phẩm, loại trừ một số loài gặm nhấm, hạn chế tiếp xúc chó con là những biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do kí sinh trùng.
BS. HÀ THỊ THANH HƯƠNG – BV HMĐN
Tài liệu tham khảo
1.Leo .X .Liu , Peter F .Weller – Võ văn Bình. Các bệnh giun xoắn và giun tròn ở mô-Harrison ‘s Principles of Internal Medicine , 16 th .Nhà xuất bản y học ,trang 794-798.
2.Charles .E .Davis – Trần công Đại. Chẩn đoán xét nghiệm nhiễm ký sinh trùng. Harrison tập 2, nhà xuất bản y học 1999 lần xuất bản thứ 13, trang 713-728.
3.Leo X.Liu, Peter F. Weller-Nguyễn minh Hà –Điều trị các bệnh nhiễm kí sinh trùng. Harrison tập 2 ,nhà xuất bản y học 1999,lần xuất bản thứ 13, trang 728-737.
4.Lê thị Xuân, Phạm thị Lệ Hoa, Trần Thị Huệ Vân, Trần vinh Hiển bộ môn kí sinh trùng, bộ môn nhiễm khoa y ĐHYDThành phố HCM. Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh Gnathostoma.
5.Bs Phạm viết Thái, Bộ môn ký sinh, khoa y, ĐHYD thành phố HCM. Biểu hiện lâm sàng bệnh do ấu trùng giun đũa chó người toxocaracanis.http://www.bsvietth.
Tin mới
- Chẩn đoán & Điều trị các chấn thương mắt
- DNAHBV trong chẩn đoán, điều trị Viêm gan B mạn
- TL hướng dẫn cập nhật: Liệu pháp Testosterone trong hội chứng thiếu Androgen
- Đánh giá kết quả điều trị co rút gân gót bằng PP phẫu thuật làm dài gân
- Chọn Lựa Phương Pháp Điều Trị cho BN Sỏi Ống Mật Chủ Kèm Sỏi Túi Mật