Mỗi Bệnh viện phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đồng bộ

Mỗi bệnh viện phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đồng bộ. Trường hợp khu vực có nhiều bệnh viện liền kề có thể xử lý chung bằng một hệ thống nhưng phải bảo đảm nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường. Các bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải phải khẩn trương bổ sung hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu vừa có văn bản khẩn yêu cầu như trên.

Theo đó, bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện xây dựng mới phải bắt buộc có hệ thống xử lý nước thải mới được phê duyệt hồ sơ. Các bệnh viện đang hoạt động phải định kỳ kiểm tra, lưu giữ hồ sơ xử lý nước thải. Với chất thải rắn nguy hại, các địa phương có nhiều bệnh viện cần áp dụng mô hình xử lý chất thải rắn tập trung, còn lại áp dụng xử lý theo cụm bệnh viện. Các bệnh viện chưa có lò đốt chất thải rắn cần áp dụng các công nghệ xử lý thân thiện với môi trường như công nghệ khử khuẩn, công nghệ vi sóng... Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện mới có 200 lò đốt rác y tế, xử lý chất thải rắn của 73% bệnh viện, gần 27% số bệnh viện còn lại đang thực hiện... chôn lấp chất thải rắn y tế hoặc thiêu đốt ngoài trời. Số bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải còn rất hạn chế.

“Theo báo cáo, đa số bệnh viện đều có hệ thống xử lý nước thải. Nhưng phải nói thành thật là phần lớn bệnh viện ở VN đã quá cũ, hệ thống xử lý nước thải xây ngầm có thể đã nứt, rò rỉ ra môi trường” - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lý Ngọc kính mở đầu câu chuyện với Tuổi Trẻ về vấn đề nước thải bệnh viện. Ông Kính nói tiếp: Các bệnh viện đều xây đã lâu, muốn khắc phục hệ thống nước thải tốn không ít tiền. Tiếp đó là vấn đề hóa chất xử lý nước thải, bệnh viện chủ yếu xử lý nước thải trước khi ra đường thải chung bằng hóa chất, nhưng về liều lượng hóa chất có đúng quy cách theo yêu cầu hay không thì không làm cách nào kiểm tra nổi, làm sao biết bệnh viện cho vào bao nhiêu hóa chất, có đúng như báo cáo hay không...

* Thưa ông, có một vấn đề là nguồn nước thải của bệnh viện không như nước thải thông thường, mà có thể làm lây lan các bệnh lây nhiễm...

- Đương nhiên ai cũng hiểu nước thải bệnh viện là nguồn của một số bệnh lây nhiễm. Nhưng nói cho cùng hệ thống vệ sinh chung vẫn chưa đảm bảo. Trở lại vấn đề nước thải bệnh viện, hầu hết đều chưa có thiết kế tổng thể mà cứ xây dần lên nên khó đảm bảo cả hệ thống xử lý nước tốt. Vấn đề lớn hiện nay là kinh phí, có bệnh viện đang kêu họ xử lý rác y tế rất tốn tiền mà chưa biết lấy đâu để chi. Hằng năm Bộ Y tế vẫn có giám sát chéo tại các bệnh viện, trong đó có chấm điểm cả về vấn đề xử lý nước thải, nhưng thật ra mới giám sát được ở bề nổi, người ta báo cáo là được nhưng chất lượng thì...

* Nhưng ở vị trí cơ quan đứng đầu về chuyên môn, vì sao Bộ Y tế vẫn chưa để vấn đề nước - rác thải bệnh viện thành một trong những vấn đề hàng đầu cần giải quyết?

- Nói đến thì ai cũng biết cả, ai cũng hiểu cả, ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề nghiêm trọng, gây ảnh hưởng ngay trước mắt nhưng lực bất tòng tâm. Nên nhớ hệ thống bệnh viện chắp vá từ hàng trăm năm nay. Trong khi đáng ra hệ thống nước thải phải làm nổi, dễ xử lý, phát hiện khi có rò rỉ, lún nứt chảy ra môi trường thì ngoại trừ một số bệnh viện mới xây, còn hệ thống nước thải của các bệnh viện cũ đều được thiết kế ngầm, khi có sự cố rất khó phát hiện. Hơn một năm nay, Bộ Y tế đã tính đến quy hoạch hệ thống xử lý nước thải bệnh viện, cuối năm sẽ trình Chính phủ. Quy hoạch này tách hai loại nước bề mặt, nước sử dụng cho người bệnh, tính công suất nước thải, kinh phí xây dựng và vận hành hệ thống... Nhưng cũng phải nói thật là làm xong quy hoạch cũng chưa biết có được đầu tư.

* Vậy theo đánh giá của ông, bao nhiêu phần trăm bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo yêu cầu?

- Theo tôi, chỉ có một số bệnh viện tuyến tỉnh mới xây dựng. Các bệnh viện trung ương, số mới xây dựng ít lắm, phần lớn là cũ cả. Nhưng nói “đảm bảo yêu cầu” thì tôi không nói được, phải có đánh giá, xét nghiệm nước đầu ra, có theo dõi thường xuyên mới đủ cơ sở để đánh giá. Phải nói thật là vấn đề chất thải đang là vấn nạn của xã hội, không riêng gì bệnh viện. Tôi cho là các đô thị chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề chất thải.

* Nhưng ở vị trí quản lý nhà nước về y tế, không thể nói xử lý nước thải bệnh viện là vấn đề Bộ Y tế không có quyền...

- Người đánh giá chất lượng nước thải là cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Còn giám đốc các bệnh viện thường nại lý do không có kinh phí. Một bệnh viện 500 giường, muốn có hệ thống nước thải hoàn chỉnh cần 10 tỉ đồng...

* Nếu muốn nói về ảnh hưởng của nước thải bệnh viện, ông sẽ nói gì?

- Chuyện nước thải và rác thải bệnh viện, theo tôi cũng giống chuyện túi nilông, nếu không kiên quyết thì sẽ tự giết mình.


LAN ANH (B. Tuổi trẻ)